Sinh thái Chi Ruồi giấm

Cá thể đực (trái) và cái (phải) ở loài Drosophila melanogaster.
  • Các loài trong chi Drosophila được tìm thấy trên khắp thế giới, kể cả ở các sa mạc, rừng mưa nhiệt đới, thành phố, đầm lầy và vùng núi cao, nhưng nhiều loài nhất là ở vùng nhiệt đới. Ở quần đảo Hawaii có tới hơn 800 loài.[6]
  • Hầu hết các loài trong chi này kiếm ăn và sinh sản trên các bộ phận thực vật (vỏ cây, hoa, nhất là quả) hay cả nấm đã chín hay đang phân hủy. Rất nhiều loài trong chi bị hấp dẫn bởi "mồi" là nấm lên men hoặc chuối chín (do đó nhiều phòng thí nghiệm đã nuôi ruồi giấm bằng chuối). Một số ấu trùng (như ở D. suzukii) ăn cả quả tươi nên có thể gây hại.[7] Một số ít loài chuyển sang phương thức kí sinh hoặc thậm chí săn mồi (predator).
  • Các cá thể đực của nhiều loài của chi này có tập tính tụ tập trên nguồn thức ăn để tìm và cạnh tranh đối tượng sinh sản, biểu hiện các động tác tán tỉnh đặc trưng cho mỗi loài.
  • Một số loài Drosophila như D. melanogaster, D. immigrans và D. simulans liên quan chặt chẽ với con người đến nỗi được coi là động vật đô thị và thường được gọi là "ruồi giấm nhà" (domestic Drosophila). Chúng và một số loài khác (như D. subobscura) được con người tình cờ phát tán khắp nơi trên khắp thế giới qua các hoạt động xuất, nhập khẩu trái cây. Một số loài phía bắc ngủ đông.